Mẹ là phó hiệu trưởng nhưng con trai lại thi trượt vào lớp 10, lời tâm sự của mẹ gửi con gây bão mạng xã hội

Là phó hiệu trưởng trường nhưng cô Hạnh không ngại ngần chia sẻ việc con trai thi trượt vào lớp 10, một “cú ngã đã khiến con đau khổ rất nhiều”.

Sau bao ngày mong ngóng, chờ đợi, điểm thi vào lớp 10 ở các tỉnh thành trong cả nước đã được công bố. Những nụ cười rạng rỡ vì đạt điểm cao, ghi tên mình vào những trường danh tiếng… nhưng cũng có những nỗi buồn, những giọt nước mắt rơi của học sinh vì kết quả thi không như kỳ vọng.

Là Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng, cô Trần Thị Kim Hạnh đang trong hoàn cảnh tương tự với nhiều gia đình khác khi có con trai vừa thi trượt vào lớp 10 trong kỳ thi vừa qua. Buồn cùng con, thương cho con nhưng không vì thế mà cả gia đình coi là thất bại. Cô cho rằng, cú ngã này là cần thiết và có ý nghĩa để con trai trưởng thành hơn.

Tâm thư gửi con trai của cô Hạnh sau khi chia sẻ đã nhận được rất nhiều quan tâm từ các bậc phụ huynh khác. Một phần vì lời bộc bạch của cô chạm đến trái tim của nhiều người và là nguồn động lực để cho các con phấn đấu trong tương lai.

Tuy nhiên, điều mọi người ngưỡng mộ hơn chính là việc cô Hạnh không ngại ngần chia sẻ chuyện con trai thi trượt vào lớp 10 khi bản thân cô là một nhà giáo, phó hiệu trưởng trường. Chia sẻ với chúng tôi, cô Hạnh hi vọng “Thời điểm này và sắp tới, khi chuẩn bị diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT, dòng chia sẻ này có thể giúp được nhiều gia đình và trẻ đối diện với sự cố một cách bình an hơn”.

Cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Thư gửi con trai của cô Hạnh như sau:

“Con trai à,

Mẹ con mình đã chọn trường tốp dưới vừa với sức con, nhưng năm nay, trường ấy đã có mức điểm chuẩn vượt lên trên một số trường và con đã không vào được. Cú ngã này đã khiến con đau khổ rất nhiều, nhưng cũng giúp con suy nghĩ nhiều hơn về bản thân. Con đã thôi dằn vặt bản thân, oán trách người khác và bắt đầu bình tĩnh đối diện với sự thật.

Mẹ và ba, tất nhiên là có buồn, tuy nhiên, cả hai đều có chung suy nghĩ, cú ngã này là cần thiết và có ý nghĩa với con. Nếu con cứ thẳng tiến vào 10, thì 3 năm THPT tiếp theo của con rất có khả năng sẽ tiếp tục ở trạng thái “lơ tơ mơ” như 4 năm THCS.

Cú ngã này khiến con phải giật mình, tỉnh ngộ. 4 năm qua, con đã dễ dàng thỏa hiệp với những ham muốn của bản thân thì giờ đây, con muốn xóa hết đi những dấu vết của sự ham chơi ấy trong kí ức con. 4 năm qua, con không chiến thắng được sự rủ rê của bạn bè thì giờ đây con đã biết cái tai hại của sự kết giao ấy. 4 năm qua, con vẫn chưa vượt qua được chứng sợ học do cú sốc tiền lớp 1 thì giờ đây con có quyết tâm hơn cho việc học.

Mới qua 3 ngày kể từ khi có kết quả, con đã lớn lên rất nhiều trong nhận thức.

Mẹ biết con vẫn còn buồn, vẫn còn nhiều vướng mắc bên trong nên khi được hỏi về ý nghĩa của sự cố này, con chưa hề có sự thoải mái. Mẹ sẽ giúp con nhìn ra được ý nghĩa, lợi ích của việc này và dễ dàng chia sẻ nó với người khác. Chỉ khi đó, con mới có tâm thế sẵn sàng đối diện với nó, chấp nhận nó và chọn con đường đi cho mình một cách dễ dàng và dễ chịu, để mai sau, khi nhìn lại, con thấy tự hào vì con đã không bị trôi tuột đi theo nỗi buồn và sự chán nản của thời khắc ấy. Con đã mạnh mẽ đối đầu và tiếp tục hành trình của mình.

Giờ điều khó khăn nhất với con là cái nhìn của bạn bè, người thân với kết quả của con. Nhưng con à, đó cũng chỉ có thể là sự tưởng tượng của con mà thôi. Còn nếu có thì người ta có thể không hiểu về quá trình của con, với những trải nghiệm đầu đời không hề tốt đẹp về việc học khiến con phải sợ hãi chuyện học đến thế nào thì việc người ta đánh giá con trên kết quả này có gì đáng quan tâm. 

Người ngoài có thể nghĩ ngợi này kia, nhưng bên con có cha mẹ, có chị, những người luôn đồng hành cùng con những năm tháng qua thì bây giờ vẫn như vậy thôi. Gia đình mình vẫn vui vẻ, bình an sau kết quả đó. Ba vẫn chở con đi dạo mỗi tối. Mẹ vẫn cùng con nhìn lại vấn đề và tiếp tục tính con đường đi tiếp sao cho phù hợp nhất với con. Chưa bao giờ ba mẹ lại thống nhất với nhau về giáo dục như cách nhìn nhận vấn đề của con hiện nay.

Con trai à,

Nếu đậu lớp 10, con chỉ có 1 con đường. Còn giờ đây, con có 3 con đường để lựa chọn: học Trung tâm Giáo dục thường xuyên, học cao đẳng nghề hoặc là ôn tập để thi lại năm sau. Cái đích đến cuối cùng của con người, không phải là đã học trường nào hay kết quả học tập ra sao mà là trở thành một con người có ích và biết cách sống hạnh phúc, bình an. Muốn vậy, con phải có khả năng đối đầu với thất bại, có ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, biết ơn những trở ngại cuộc sống đem lại cho mình để mình trưởng thành.

Đó cũng là lý do vì sao, mẹ đã không gò ép con vào khuôn khổ trong việc học hành vì mẹ hiểu, để con vượt qua được chứng sợ học, nhất định không bằng con đường gò ép mà phải để con tự trả giá, tự nhận ra giá trị của việc học thì con mới có thể tự nguyện học tập. Mẹ không thể đánh đổi sự bình an của con để lấy kết quả học tập tốt hơn bởi mẹ hiểu, cái đi theo con người suốt cả cuộc đời không phải là giấy khen, điểm số trong học bạ mà là những trải nghiệm đã có trong đời. 

Nhiều trẻ em đã mất sự kết nối với cha mẹ vì những áp lực và kì vọng ấy. Đó thật sự là thiệt thòi lớn nhất của một con người. Mẹ chỉ là một người mẹ bình thường và với mong ước về con cũng giản dị, bình thường vậy thôi.

Bình an con trai nhé! Bình an đối diện vấn đề để có sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp nhất với con. Mẹ có thể không giúp con học tốt hơn nhưng mẹ có thể giúp con trở nên bình an hơn khi gặp khó khăn. Hãy tin ở mẹ.

Yêu con!

(Nguồn: Pháp luật & Bạn đọc)