fbpx

Mẫu kịch bản chào cờ và sinh hoạt dưới cờ năm học 2020 – 2021

Kịch bản chương trình chào cờ đầu tuần và chương trình sinh hoạt dưới cờ theo chủ điểm từng tháng để thầy cô và các em học sinh có thể triển khai được những chương trình chào cờ đầu tuần và sinh hoạt dưới cờ ý nghĩa.

Mẫu kịch bản

Mẫu kịch bản chương trình chào cờ đầu tuần

Mẫu chủ điểm sinh hoạt dưới cờ từng tháng

Cách đổi mới hình thức sinh hoạt dưới cờ

Thực tế cho thấy, trước đây, giờ chào cờ thường được tổ chức như một tiết học khô khan, thậm chí có phần cứng nhắc. Nội dung tiết chào cờ thường chủ yếu tập trung nhận xét, đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong các hoạt động thực hiện nề nếp của các lớp, phê bình những học sinh vi phạm nội quy của nhà trường; người điều hành các hoạt động trong tiết chào cờ là Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh. Những giờ chào cờ như vậy chưa tạo cơ hội cho học sinh được tham gia các hoạt động để phát huy khả năng cá nhân. Vì vậy, đổi mới hình thức sinh hoạt dưới cờ là một yêu cầu cần thiết nhằm góp phần thực hiện hiệu quả giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.

Vậy để thực hiện có hiệu quả các tiết sinh hoạt dưới cờ cần có những giải pháp nào?

1. Làm tốt công tác xây dựng kế hoạch

Đối với cán bộ quản lý nhà trường

Ban Giám hiệu (BGH) cần xác định việc xây dựng kế hoạch có ý nghĩa quan trọng, giúp giáo viên và học sinh có định hướng tổ chức các hoạt động trong suốt năm học. BGH nhà trường cần làm tốt khâu chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch do Tổng phụ trách xây dựng.

Kế hoạch cần bám sát chỉ đạo của cấp trên, nội dung và hình thức theo chủ điểm từng tháng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lớp gắn nội dung và hình thức tổ chức phù hợp theo tuần. Trong kế hoạch, cần xác định rõ mục đích, ý nghĩa của giờ chào cờ, phải bảo đảm tính trang nghiêm, sinh động, hấp dẫn với học sinh, đồng thời phải đổi mới hình thức sinh hoạt dưới cờ như một hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Sau khi kế hoạch đã được thống nhất trong BGH, cần đưa kế hoạch ra trước tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường để mọi người cùng bàn bạc, thảo luận, nhất trí cùng thực hiện.

Đọc thêm:  Những câu đố cho trẻ mẫu giáo và tiểu học theo chủ đề hay nhất

Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp

Sau khi nắm rõ kế hoạch của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp lập kế hoạch, phổ biến tới tất cả học sinh trong lớp. Giáo viên là người định hướng, hướng dẫn học sinh thực hiện.

2. Lựa chọn nội dung mang tính giáo dục cao, hình thức đa dạng, hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi học sinh

Tổ chức lễ chào cờ theo đúng quy định, toàn bộ giáo viên và học sinh cùng hát Quốc ca, thể hiện lòng tự hào dân tộc.

Việc lựa chọn những nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, gần gũi và hấp dẫn học sinh có vai trò quyết định đối với việc nâng cao hiệu quả tiết sinh hoạt dưới cờ. Một số trường đã thực hiện thay đổi liên tục chủ đề sinh hoạt, đặc biệt chọn những chủ đề ý nghĩa, thiết thực như Học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại, tìm hiểu về lịch sử nhà trường, an toàn giao thông, chống rác thải nhựa… lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng sống. Đa dạng hóa các hình thức được thể hiện như biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm, trò chơi, sân khấu hóa, thi tìm hiểu giữa các khối lớp.

Nếu như trước đây, Tổng phụ trách Đội là người điều hành thì theo cách làm mới, việc dẫn chương trình, điều hành các hoạt động trong tiết chào cờ do Liên đội trưởng hoặc do một học sinh của lớp được phân công phụ trách đảm nhiệm. Tổng phụ trách kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các em. Điều này đã khuyến khích tính tự chủ, sáng tạo của học sinh; góp phần giúp các em rèn luyện sự tự tin, kỹ năng xử lý tình huống. Sau mỗi phần tuyên truyền, học sinh toàn trường sẽ được trả lời các câu hỏi liên quan để thể hiện hiểu biết của mình. Muốn vậy, ngay từ đầu tiết chào cờ, giáo viên cần định hướng cho học sinh cần tập trung nghe-xem một cách chủ động, có định hướng. Từ đó, học sinh nói lên vốn hiểu biết, bày tỏ suy nghĩ của mình về chủ đề buổi tuyên truyền. Mỗi tiết sinh hoạt dưới cờ trở thành một tiết học trải nghiệm cho tất cả học sinh trong toàn trường.

3. Tạo sân chơi bổ ích, thiết thực cho học sinh phát huy khả năng của mình

Trong mỗi lớp, học sinh đều có những khả năng tiềm ẩn của riêng mình. Có em có năng khiếu về hát, có em có khả năng về múa, diễn kịch,… Nhưng nếu không có những “sân chơi”, học sinh sẽ không có cơ hội để thể hiện và phát huy những khả năng đó. Vì vậy, mỗi giờ chào cờ đầu tuần là một dịp để học sinh được thể hiện tài năng của mình. Được mọi người ghi nhận, các em càng thấy hăng say phấn đấu để đóng góp sức mình cho nhiệm vụ chung. Qua đó, nhà trường cũng phát hiện được học sinh năng khiếu, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Đọc thêm:  Download trọn bộ tài liệu ôn tập các môn dành cho học sinh lớp 3 đến lớp 12

Dưới sự dẫn dắt, giúp đỡ của giáo viên, học sinh mỗi lớp tự xây dựng chương trình hoạt động của lớp mình theo những chủ điểm từ đầu năm học. Trong quá trình chuẩn bị, giáo viên kết hợp với phụ huynh học sinh cùng hướng dẫn để các em có thể thực hiện tốt nhất các tiết mục của mình. Trên thực tế, học sinh đã chứng tỏ khả năng của mình khi trở thành những diễn viên múa, biểu diễn kịch không chuyên nhưng tạo nên những tiết mục vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cao. Những buổi sinh hoạt dưới cờ đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong trường.

4. Tiến hành tổ chức thực hiện

Công tác chuẩn bị: Là bước quan trọng, quyết định sự thành công của tiết chào cờ. Để làm tốt công việc này cần có sự phối hợp giữa BGH nhà trường, Tổng phụ trách Đội, giáo viên và học sinh lớp được phân công nhiệm vụ. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm và học sinh đóng vai trò quan trọng. Muốn làm tốt bước này, giáo viên cần xác định rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của buổi sinh hoạt, lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp. Học sinh được tham gia vào tất cả các khâu: lập kế hoạch, xây dựng chương trình, tham gia thực hiện.

Thực hiện chương trình: Theo đúng trình tự đã xây dựng, cần có biện pháp giải quyết các tình huống phát sinh, tạo được không khí trang nghiêm, thoải mái, nhẹ nhàng, sinh động với nội dung đáp ứng được mục đích của buổi sinh hoạt.

Tổng kết, rút kinh nghiệm: Sau mỗi buổi sinh hoạt, BGH, Tổng phụ trách Đội cùng giáo viên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó làm tốt hơn cho những buổi sinh hoạt tiếp theo.

Có thể nói, việc đổi mới sinh hoạt dưới cờ hiện nay là một việc làm cần thiết nhằm góp phần đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực học sinh. Trong thời gian qua, Trường Tiểu học Lê Lợi đã đạt được những hiệu quả nhất định trong các tiết học này, tạo sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ giáo viên và học sinh toàn trường. Tất cả học sinh đều được tham gia vào các hoạt động trong tiết chào cờ. Điều đó đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Thời gian tới, Trường tiếp tục tổ chức các tiết sinh hoạt dưới cờ theo các chủ điểm trong kế hoạch đã đề ra. Nhà trường mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của các cấp, sự phối hợp của các bậc phụ huynh học sinh để có thể có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hơn nữa.

(Nguồn: sưu tầm)

Bình luận
524Shares